Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện

 

Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Công khai thông tin
Hiển thị nội dung bài viết

Các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm ngày Sách

28/04/2024
08:33:00
37

       Thực hiện công văn số 456/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 18/03/2024 về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sáng ngày 15/04/2024 Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm Ngày Sách với chủ đề: Sách: “ Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”. Chương trình được diễn ra với nhiều hoạt động, nội dung rất phong phú, đa dạng tại sân trường, tham gia chương trình là toàn thể quý thầy cô giáo và học sinh trong toàn trường.

       Mở đầu chương trình là văn nghệ chào mừng.

Tiết mục múa Tiếng hát giữa rừng Bắcpó

Tam ca với bài hát “Hãy biết ước mơ”

       Em Khánh Ngọc tham luận với chủ đề “ Vì sách là thế giới”.

       Như chúng ta đã biết sách giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Sách cho ta kiến thức về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Sách được phân loại chẳng những theo thể loại, lĩnh vực mà còn theo độ tuổi, sở thích. Sách được in với nhiều thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ khác nhau và có thể mang đến bất kỳ đâu trên thế giới. Sách có một vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó góp phần phát triển thế giới. Ông cha ta đã rất đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, và cho rằng “Một kho vàng không bằng một nang sách”. Sách không chỉ là một kho kiến thức vô tận mà còn là kho của cải vô tận. Chỉ với những trang sách đó, thế hệ sau mới có thể hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, được kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh, hiện đại hơn. Sách chính là người thầy vĩ đại, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. Mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Bởi khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm, khát vọng trong cuộc sống và trong mọi mối quan hệ xã hội, để từ đó giúp người đọc hiểu, cảm nhận và thay đổi chính mình. Sách giúp con người cảm nhận được tình yêu thương con người, cho ta hiểu biết về các giá trị văn hóa, xã hội và giá trị cuộc sống … kiến thức đó có trong thơ ca, những tác phẩm văn học của nhân loại qua các thời kỳ. Một trong những triết gia vĩ đại nhất của thời cổ La Mã - Marcus Tullius Cicero đã khẳng định: “Cuốn sách không chỉ đơn thuần là tập vật liệu, mà chúng còn là sinh khí, là trái tim và tinh thần trung tâm của những giai đoạn đã qua, là lý do khiến con người sống và hy sinh, là hạt nhân và bản chất tinh tế của nhiều thời kỳ lịch sử”. Quả thực, những tác phẩm văn học không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của con người mà còn là nguồn động viên quan trọng trong hành trình tìm kiếm tri thức.

       Sách không chỉ là vật thể lưu trữ tri thức mà còn là kho tàng văn bản, nơi chứa đựng sự sáng tạo của con người. Những tác phẩm này được tạo ra với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và những câu chuyện, quan điểm về cuộc sống. Điều này giúp thế hệ sau tiếp thu và phát triển kiến thức, đồng thời góp phần vào những thành tựu đáng tự hào. Đọc sách với mỗi người là cơ hội để được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ, nhưng hiện nay có một thực tế ai cũng thấy rất rõ là từ nhiều năm nay, người Việt ngày càng “lười” đọc sách. Trung bình một năm, một người Việt Nam đọc chưa tới 1 quyển sách ở trong thư viện - một tỉ lệ rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thấy được sách là sản phẩm vật chất của nền văn minh nhân loại, đồng thời là phương tiện chứa đựng và chuyển tải những tri thức, những thành quả lao động mà con người sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử. Nhờ sách, con người có thể biết về lịch sử, văn hoá, về phong tục, tập quán và quá trình phát triển của các dân tộc, các quốc gia khác nhau từ cổ đại, cận đại cho tới tận hôm nay

       Sách rất cần thiết và quan trọng, V. I. Lênin đã phải thừa nhận rằng: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Nhà văn Ghécxen cũng từng viết: “Sách là di huấn về tinh thần thế hệ này đối với thế hệ khác. Đó là lời khuyên của người già sắp từ giã cõi đời đối với người trẻ mới bước vào cuộc sống, đó là mệnh lệnh của người đứng gác sắp đến giờ nghỉ truyền cho người đứng gác thay. Nhưng trang sách không phải chỉ có quá khứ, sách còn là văn kiện giúp ta làm chủ hiện tại, nắm lấy tất cả mọi chân lý và sức mạnh được tìm ra qua nhiều đau khổ đôi khi còn nhuốm đầy mồ hôi hòa với máu, sách báo còn là cương lĩnh của tương lai”.

       Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới các giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là người bạn gần gũi và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của mỗi người. Cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet; thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử. Và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.

       Thế nhưng, “văn hóa đọc” ngày nay đang thực sự đứng trước nguy cơ bị mai một và nghiêm trọng hơn khi nó lan sâu vào thế hệ trẻ - những người nắm giữ vận mệnh, tương lai của đất nước. Thông qua chương trình hôm nay, tổ cộng tác viên thư viện nhà trường muốn gửi đến tất cả quý thầy cô giáo, nhất là các bạn học sinh một thông điệp: Hãy đam mê với sách, xem sách như một bảo bối, một kho tàng tri thức, một công cụ đắc lực để nuôi dưỡng tâm hồn, thắp sáng ước mơ, bồi đắp kiến thức để vươn tới những thành công, hướng đến một xã hội nhân văn và tốt đẹp hơn.

Em Khánh Ngọc tham luận về ý nghĩa của sách với chủ đề “ Sách là thế giới”

       Em Tú Quỳnh giới thiệu cuốn sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng”

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại được cả nhân dân Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ và tôn sùng, người đã xây dựng và lãnh đạo quân đội ta chiến đấu anh dũng để giành được độc lập tự do cho đất nước, mang lại nền hòa bình cho dân tộc. Hướng tới kỉ niệm 134 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và cũng để chào mừng Ngày sách Việt Nam năm 2024, thư viện trường THPT Lê Quý Đôn xin giới thiệu đến quýthầy cô giáo và các bạn, các bậc phụ huynh, và các độc giả yêu sách cuốn “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng”

       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm trân quý cho tất cả mọi tầng lớp, giai cấp nhân dân Việt Nam, nhưng hơn hết, Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em bởi theo Người đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm ấy và những lời dạy sâu sắc của Bác Hồ dành cho phụ nữ và trẻ em đã được kết tinh trong cuốn sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng” do tác giả Khánh Linh tuyển chọn, Nhà sách Tân Việt phối hợp cùng nhà xuất bản Lao động ấn hành.

        Nội dung cuốn sách là tập hợp 63 câu chuyện kể về tình yêu thương của Bác Hồ dành cho phụ nữ và các em thiếu niên nhi đồng. Qua đó càng khẳng định tình cảm sắc son của biết bao thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Dù Bác đã đi xa, nhưng mãi còn đây hình ảnh một con người vĩ đại mà muôn nhịp đập của trái tim đều dành trọn cho dân, cho nước ...

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn giành cho chị em phụ nữ những tình cảm thương yêu, quý mến và thân tình nhất như một người cha, người chú, người anh. Người luôn khuyên nhủ chị em phụ nữ cố gắng rèn luyện phẩm chất đạo đức để phát huy hết nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

       Câu chuyện chỉ đơn giản và ngắn gọn, nhưng in đậm trong trái tim người đọc là hình ảnh một người cha già vĩ đại có phong cách giản dị và những lời căn dặn của Bác thật ấm áp và gần gũi biết bao.

Các bạn sẽ còn xúc động hơn nữa với hình ảnh Bác Hồ tự tay mở cặp lồng cơm của người công nhân già Đặng Thị Tý ra xem rồi ân cần hỏi thăm, trong câu chuyện “ Các cô ăn như thế có no không ?” và còn nhiều câu chuyện khác nữa như: câu chuyện “Quê hương năm tấn đón Bác”, “Niềm vinh dự lớn”, “Muốn công tác tốt phải học thật tốt”, ....

       Tất cả những câu chuyện trên đều thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tình yêu thương của Bác dành cho chị em phụ nữ. Đáp lại sự tin tưởng và tình cảm trân quý của Người, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn can trường chiến đấu kề vai sát cánh cùng với nam giới trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở cả hậu phương, chị em phụ nữ cũng luôn phấn đấu thi đua tăng gia sản xuất, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Với thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm và dành sự ưu ái vô cùng. Bởi sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, các em nhỏ đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Càng yêu, càng thương, càng thôi thúc Bác thực hiện được ước mong giải phóng dân tộc, giành cho được nền độc lập, tự do cho đất nước. Không chỉ thế, Bác còn rất quan tâm giáo dục các em. Bác nói thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. Chính vì vậy, nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ năm điều Bác Hồ dạy:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

       Vậy năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi có xuất xứ như thế nào? Mời các bạn hãy tìm đọc câu chuyện “Xuất xứ của năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” từ trang 143 đến trang 146 của cuốn sách.

       Lật mở những trang sách tiếp theo, các bạn sẽ càng cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu thương của Bác Hồ không chỉ dành riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam mà còn dành cho trẻ em ở khắp nơi trên thế giới. Tình cảm thiêng liêng ấy được thể hiện trong các câu chuyện như: “Chú sẽ luôn nhớ đến các cháu”, “ Quả táo của Bác Hồ”, “ Cha nuôi Hồ”, “ Bác Hồ bón kem cho cháu bé Nam Tư”, ...

       Thông qua nhiều câu chuyện, hình ảnh Bác Hồ luôn rất mực giản dị nhưng cao quý vô ngần. Tình cảm của Người được thể hiện qua từng lời nói, từng hành động, từng câu chữ trong các bức thư Người gửi đi. Ở Bác có cả một biển tình yêu bao la không bao giờ vơi cạn, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

... Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình, cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa! ...

      Tuy Bác Hồ đã đi xa nhưng tư tưởng, tình cảm của Người mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Ngày hôm nay chúng em xin giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng” như một lời tri ân sâu sắc đến vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Sự quan tâm của Bác dành cho phụ nữ và thiếu niên nhi đồng là động lực để chúng ta tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, thực hiện lời dạy của Bác “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Từ cuốn sách “Bác Hồ Với Phụ Nữ Và Thiếu Niên Nhi Đồng” trong “Tủ Sách Bác Hồ”, có tại thư viện nhà trường chúng ta có thể học được những bài học về tình cảm, đồng lòng, tình yêu thương và sự hy sinh của Bác Hồ đối với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng. Cuốn sách cũng giúp chúng ta hiểu về tình yêu thương và trách nhiệm của một người lãnh đạo đối với nhân dân. Chúng ta còn học được những giá trị về đạo đức, văn hoá, lịch sử và xây dựng hạnh phúc cho cộng đồng. Sách cũng đưa ra nhiều ví dụ về tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn. Cuối cùng, cuốn sách cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của những câu nói và tấm gương của Bác Hồ về tình yêu đất nước, tình yêu con người, và tình yêu đồng loại.

Em Khánh Quỳnh giới thiệu sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng”

       Phần trả lời câu hỏi đố vui có thưởng kết thúc chương trình Ngày sách Việt Nam năm 2024.

Phần trả lời câu đố vui nhận thưởng

 

Nguyễn Thị Hiền

 

[Trang chủ]
Hiển thị danh sách bài viết
Banner - Thư viện ảnh

Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình

Liên kết website
Footer

Trường THPT Lê Quý Đôn

Địa chỉ: Tiểu khu II, Thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình
Email: thpt_so1botrach@quangbinh.edu.vn